Ý nghĩa của phép đo điện trở tiếp xúc
Ý nghĩa của phép đo điện trở tiếp xúc
Nhằm phát hiện ra tình trạng bất thường trên các mối nối các mối nối, các đầu tiếp xúc phát sinh trong quá trình vận hành nhằm giúp người quản lý có thể có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý nhằm tránh xảy ra sự cố.
Nguyên nhân làm tăng điện trở tiếp xúc là do:
Hỏng hóc về cơ, mài mòn, ăn mòn về cơ.
Các bề mặt tiếp xúc bị ôxy hóa.
Dưới tác dụng của nhiệt lượng sinh ra lâu ngày sẽ làm cho các mối nối trở nên mỏi và lỏng ra.
Hậu quả của việc tăng điện trở tiếp xúc làm cho các mối nối, mối tiếp xúc ngày càng bị phát nóng làm nhiệt độ tại đó tăng cao bất thường và đó chính là nguyên nhân gây nên các sự cố trầm trọng bên trong Máy cắt, ở các Dao cách ly, các đầu nối khi đang vận hành ở dòng tải lớn và điện áp cao.
Các phương pháp đo điện trở tiếp xúc
Việc đo điện trở tiếp xúc được tiến hành theo phương pháp V-A một chiều.Dựa vào đó ta có thể đo điện trở tiếp xúc bằng các cách sau: đo trực tiếp và đo gián tiếp.
Đo trực tiếp bằng các thiết bị đo chuyên dụng: MOM-200, MOM-600...
Đo gián tiếp qua các đồng hồ mV-A bằng cách cấp một dòng DC chạy qua đối tượng đo và đo điện áp rơi trên hai đầu đối tượng ta thu được giá trị: Rx = U(mV) / I (A)
Lưu ý:
Để đo các dòng điện lớn (trên 50 A) ta thường dùng một shunt dòng có giá trị dòng định mức thích hợp.
Cấp chính xác của các thiết bị đo phải không được nhỏ hơn 0,5.
Các lưu ý về an toàn trong quá trình đo
Không được để hở mạch dòng trong khi đo vì:
Có khả năng gây hỏng các thiết bị đo ở mạch điện áp.
Có thể phát sinh hồ quang một chiều khi đo ở dòng lớn.
Đối tượng được thử nghiệm phải được cách ly về điện với các phần đang mang điện xung quanh.
Khi đo bằng phương pháp V-A gián tiếp phải kiểm tra để đảm bảo rằng biến trở điều chỉnh phải tiếp xúc tốt, tránh gây nên tình trạng hở mạch dòng khi điều chỉnh.
Không tiếp xúc với mạch đo và đối tượng trong quá trình đo.
Yêu cầu của phép đo
Khi đo điện trở tiếp xúc các MC, DCL, các mối ghép có dòng định mức lớn (trên 400A), dòng đo phải có giá trị tối thiểu là 100A.
Trước khi tiến hành các phép đo điện trở tiếp xúc trên các MC, DCL cần phải thao tác đóng cắt nhiều lần để đảm bảo độ ổn định và tin cậy của kết quả đo vì:
Trong quá trình đóng cắt sẽ làm bộc lộ các tồn tại trong mạch dẫn dòng của MC, DCL.
Các bề mặt bị ôxy hóa, các sản phẩm phát sinh trong quá trình dập hồ quang trên bề mặt này sẽ được tẩy đi.
Nếu cần có thể tăng giá trị dòng đo lên: 200A, 300A để kiểm tra thêm nhằm phát hiện những mối ghép chưa tốt.Tuy nhiên dòng đo không được lớn hơn dòng định mức của thiết bị để tránh sai số do hiện tượng quá nhiệt.
Vệ sinh sạch sẽ các đầu cực của Máy cắt, Dao cách ly và các bề mặt của các mối ghép trước khi tiến hành phép đo để tránh sai số.
Đánh giá kết quả đo
Tiến hành đo từ 3 đến 5 lần trên một đối tượng với cùng một dòng đo và sơ đồ đo. Giá trị đo sau cùng sẽ là giá trị trung bình của các kết quả đo trên.
Rđ = (Rđ1+Rđ2+..+ Rđn)/ n. (với n = 3÷5)
Giá trị điện trở tiếp xúc đo được không được lớn hơn tiêu chuẩn cho phép của nhà chế tạo.
Nếu giá trị đo lớn cần kiểm tra lại sơ đồ đo, các vị trí đấu nối và tình trạng các đầu đấu nối. Tiến hành thao tác thêm vài lần để kiểm tra tính ổn định của kết quả đo.
Nếu các giá trị đo được trên các pha MC đều tăng như nhau có thể nghĩ đến khả năng kiểm tra lại độ ngập và hành trình của các tiếp điểm.
Nếu các kết quả đo ổn định và các thông số về hành trình, độ ngập bình thường nhưng các giá trị điện trở tiếp xúc vẫn lớn có khả năng tiếp điểm dập hồ quang của MC bị mòn sau một thời gian vận hành. Cần có biện pháp kiểm tra độ mòn và thay thế bộ tiếp điểm động.
Cho phép giá trị điện trở tiếp xúc tăng đến 1,2 lần giá trị xuất xưởng của nhà chế tạo (đối với những MC đã qua vận hành). Tuy nhiên việc điện trở tiếp xúc tăng nhanh và đột biến ở một pha báo hiệu tình trạng bất thường bên trong máy và cần phải chẩn đoán thêm.