Công tác bảo trì là công việc thường được tiến hành nhằm kéo dài tuổi thọ các bộ phận của máy móc và hệ thống, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống được hoạt động trơn tru hiệu quả. Chính vì vậy, thiết bị hoạt động được bao lâu trên thực tế còn phải phụ thuộc rất nhiều vào thời gian vận hành và bảo trì. Nếu biểu diễn mối tương quan giữa thời gian vận hành và tỷ lệ hỏng hóc của máy móc, ta có thể thấy nó sẽ có đồ thị đường cong như hình dưới đây. Trục Y thể hiện tỷ lệ hỏng hóc và trục X là thời gian. Từ đồ thị này, ta thấy đường cong có thể chia làm ba giai đoạn: thời kỳ chết yểu, thời kỳ hữu dụng, và thời kỳ xuống cấp.
Thời kỳ chết yểu của máy móc và thiết bị xảy ra ở giai đoạn sử dụng ban đầu với tỷ lệ hỏng hóc cao. Các nguyên nhân có thể là do thiết kế sai, lắp đặt chưa đúng quy chuẩn hay sử dụng sai mục đích. Sau đó, tỷ lệ hỏng hóc giảm dần về với mức tương tự như trong giai đoạn hữu dụng của thiết bị. Công tác bảo trì trong giai đoạn này, bao gồm cả bảo trì phòng ngừa và bảo trì dự đoán, có thể có những tác dụng làm kéo dài khoảng thời gian máy móc hoạt động hiệu quả. Khi bước vào giai đoạn xuống cấp, tỷ lệ hỏng hóc của thiết bị gia tăng khá nhanh theo thời gian.
- Bảo trì phản ứng (bảo trì khắc phục sự cố) ( reactive maintenance)
Bảo trì phản ứng là hoạt động sửa chữa ngay khi máy móc bị hỏng. Thao tác này chủ yếu nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng vận hành bình thường của thiết bị. Bảo trì phản ứng thường được sử dụng khi thiết bị gặp phải sự cố không quá nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của dây chuyền sản xuất hoặc không gây thiệt hại quá lớn cho nhà máy.
- Bảo trì phòng ngừa (bảo trì định kỳ) ( periodic maintenance)
Bảo trì phòng ngừa là biện pháp bảo dưỡng nhằm duy trì tuổi thọ và hoạt động trơn tru của thiết bị và phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra. Bảo trì phòng ngừa bao gồm việc kiểm tra thiết bị định kì, tra dầu, và vệ sinh máy móc hoặc thay thế các phụ tùng cần thiết để phòng ngừa những sự cố xảy ra đột ngột. Bảo trì phòng ngừa chính là quy trình tiêu chuẩn giúp vận hành thiết bị hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí, và chắc chắn là biện pháp mang lại nhiều lợi ích hơn phương pháp bảo trì sửa chữa phản ứng nói trên.
- Bảo trì dự đoán (bảo trì tùy theo tình trạng) ( condition based maintenance)
Bảo trì dự đoán là hoạt động bảo dưỡng máy móc tùy theo điều kiện, phụ thuộc vào tình hình thực tế của máy móc. Bảo trì theo tình trạng là một phương pháp yêu cầu có sự giám sát theo dõi có hệ thống về xu hướng hoạt động của thiết bị xem có bị vượt quá các giới hạn hay không. Không có một tiêu chuẩn chung hay kế hoạch cố định nào cho hoạt động bảo trì dự đoán bởi công việc này phụ thuộc nhiều vào tình trạng thực tế của máy móc.
Bảo trì phản ứng là thuật ngữ để chỉ việc “chạy máy đến khi hỏng thì sửa”. Trong suốt quá trình hoạt động, máy móc không hề được bảo dưỡng vì các kỹ sư vận hành dường như đã chắc chắn về giới hạn tuổi thọ của máy. Những nghiên cứu gần đây cho thấy đây là phương pháp bảo trì sửa chữa phổ biến ở các nhà máy, công xưởng. Kết quả cụ thể như sau:
- 57% Bảo trì phản ứng
- 31% Bảo trì định kì
- 12% Bảo trì theo tình trạng
Rõ ràng, hơn một nửa nguồn lực và các hoạt động sửa chữa bảo trì hiện giờ mới chỉ tập trung vào việc khắc phục sự cố tức thời khi máy bị hỏng.
Bảo trì phản ứng là hoạt động sửa chữa ngay khi máy móc bị hỏng. Mục đích chính của công tác này là nhằm khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường của thiết bị. Bộ phận bị hỏng sẽ được thay thế hoặc sửa chữa dựa vào bản hướng dẫn kỹ thuật chi tiết của sản phẩm.
Bảo dưỡng sửa chữa tức thời là biện pháp khắc phục khá đắt đỏ bởi sự cố thường xảy ra trong quá trình vận hành sản xuất, khác với việc máy móc được tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng theo chu trình bảo trì định kì. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển khẩn cấp các linh kiện thay thế hay tiền lương phụ cấp cho lao động thêm giờ cũng là lý do làm tăng chi phí cho công tác bảo trì phản ứng.
Ưu điểm
- Chi phí thấp – Phương pháp bảo trì phản ứng là biện pháp thường được sử dụng khi hệ thống máy móc còn khá mới. Khi đó, hệ thống máy móc không cần được bảo dưỡng thường xuyên nên sẽ giúp cho nhà máy tiết kiệm được chi phí linh kiện và nhân công.
- Không yêu cầu nhiều nhân lực – Trong những trường hợp sửa chữa phức tạp yêu cầu nhân sự chất lượng cao, biện pháp thuê ngoài sẽ được sử dụng nhằm giảm thiểu chi phí cho nhân viên nội bộ.
- Không cần phải lên kế hoạch bảo trì – Khi nào máy bị hỏng thì kỹ sư mới phải sửa chữa. Vì vậy nên việc lên kế hoạch bảo trì là không cần thiết.
Nhược điểm
- Làm tăng tổn thất cho nhà máy do sự cố xảy ra đột ngột. Chi phí nhiều khi còn bị đội lên do linh kiện thay thế không có sẵn, nhân sự thực hiện không được bố trí sẵn sàng.
- Làm giảm tuổi thọ của tài sản cố định – Bảo trì tức thời không thể đảm bảo hệ thống máy móc hoạt động liên tục trơn tru như khi mới lắp đặt.
- Các vấn đề về an toàn – Nhân viên kỹ thuật thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn nếu công tác bảo trì được thực hiện một cách bộc phát, khi mà bản thân họ phải đối mặt với áp lực phải đưa hệ thống trở về hoạt động như lúc đầu một cách nhanh chóng.
- Hiệu ứng liên hoàn của sự cố – Một bộ phận nhỏ có thể là nguyên nhân gây nên sự cố cho toàn hệ thống, hoặc các bộ phận khác.
- Sử dụng nhân lực kỹ thuật không hiệu quả – Nhân viên kỹ thuật sẽ phải mất thời gian phán đoán, tìm hiểu về phương pháp và linh kiện thay thế đúng tiêu chuẩn và đặt mua đúng được bộ phận yêu cầu.
Bảo trì phản ứng nên được áp dụng khi nào?
Bảo trì phản ứng chỉ nên được áp dụng cho những linh kiện hay máy móc có giá thành thấp, dễ thay thế và sửa chữa, hoặc không gây ra tác động liên hoàn kể cả khi sự cố xảy ra, hoặc chi phí của việc sửa chữa tức thời thấp hơn chi phí bảo trì định kì.
Cho đến hiện tại, lý do chính tại sao bảo trì phản ứng và sửa chữa khắc phục sự cố vẫn là biện pháp phổ biến nhất là bởi sự cố của thiết bị thường khó mà phán đoán được.