Mũi khoan là chi tiết tiếp xúc trực tiếp với vật liệu cần khoan nên bạn cần phải dùng đúng loại mũi, kích cỡ với công dụng phù hợp để lỗ khoan có độ chính xác cao, đẹp và bảo vệ được độ bền của máy. Một số kiến thức về mũi khoan trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn và sử dụng hiệu quả.
Định nghĩa mũi khoan
Mũi khoan là một chi tiết không thể thiếu trong máy khoan, nó đóng vai trò như lưỡi cắt trong máy cắt sắt. Chức năng chính của mũi khoan là để khoét lỗ trên bề mặt vật liệu như trên gỗ, đá, gạch, kim loại, nhựa…
Nhìn vào hình dáng bên ngoài có thể thấy mũi khoan có cấu tạo gồm 2 phần là phần chuôi và phần làm việc.
- Phần chuôi: Để gắn mũi khoan vào máy khoan.
- Phần làm việc: Đảm nhận nhiệm vụ cắt gọt và khoét lỗ trên bề mặt vật liệu. Vì vậy phần làm việc của mũi khoan cũng được chia thành 2 bộ phận là lưỡi cắt chính (tức là phần đầu của mũi khoan, nó sắc lẹm và đóng vai trò quyết định máy khoan có khoan lỗ được hay không) và lưỡi cắt phụ (nằm trên các rãnh xoắn, vai trò tạo hình và đưa vật liệu thừa ra khỏi lỗ khoan).
Các loại mũi khoan thường gặp
Để phân loại mũi khoan có nhiều cách và người dùng thường phân chia chúng theo 2 yếu tố: Vật liệu làm và đối tượng khoan.
Phân loại mũi khoan dựa vào chất liệu:
– Mũi khoan thép gió (HSS): Toàn bộ mũi khoan đều được làm từ chất liệu thép gió HSS
– Mũi khoan hợp kim (TCT): Phần lưỡi cắt được làm từ hợp kim với thành phần chính là Vonfram Cacbua (WC) cực kỳ cứng cáp.
So sánh mũi khoan hợp kim và thép gió có thể thấy độ cứng, khả năng chịu nhiệt, tốc độ khoét của mũi khoan hợp kim tốt hơn nhiều lần so với mũi thép gió HSS, do đó giá thành của mũi hợp kim cũng đắt hơn.
Phân loại mũi khoan dựa vào đối tượng khoan:
– Mũi khoan gỗ: Dùng để khoan lỗ trên gỗ và những vật liệu có tính chất tương tự như gỗ. Người ta thường dùng các loại như mũi xoắn ốc, mũi đầu đinh, mũi phay gỗ mái chèo, mũi rút lõi gỗ,…
– Mũi khoan bê tông: Chuyên dùng để đục, khoét lỗ trên nền bê tông, gạch, đá, vật liệu xây dựng.
– Mũi khoan kim loại: Dùng để khoan các vật liệu bằng kim loại như sắt, nhôm, thép, inox,…
Cách sử dụng mũi khoan an toàn và hiệu quả
Để công việc đục, khoét lỗ trên vật liệu đạt được hiệu quả cao nhất bạn cần chọn mũi khoan phù hợp với vật liệu và đúng với kích cỡ, đường kính của máy khoan.
Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng:
- Lựa chọn đúng với chất liệu cần khoan, nếu bạn chắc chắn muốn khoan bê tông thì bạn không thể dùng mũi khoan gỗ được.
- Khi lắp mũi khoan vào máy cần lắp đúng kỹ thuật, đủ chặt để tránh gây nguy hiểm khi máy khoan đang vận hành đồng thời đảm bảo không làm bể, gãy cũng như giúp lỗ khoan đạt chuẩn thẩm mỹ.
- Nên dùng lực khoan đều đặn, phù hợp với vật liệu cần khoan để tránh gây nguy hiểm và chất lượng lỗ khoan không cao.
- Chú ý làm mát máy khoan trong quá trình khoan, đặc biệt hữu ích với trường hợp dùng mũi khoan đắt tiền để khoan bề mặt có độ cứng cao.
- Luôn đảm bảo tâm của trục máy khoan và tâm của mũi khoan trùng khớp nhau và phải luôn vuông góc với mặt phẳng cần khoan.
- Cố định chắc chắn vật cần khoan vừa đảm bảo lỗ khoan đẹp mắt vừa bảo vệ an toàn cho người dùng.
Gợi ý cách chọn mũi khoan phù hợp với máy khoan:
Hiện nay có rất nhiều dòng máy khoan được sử dụng cho các mục đích khác nhau, do đó để sử dụng máy khoan và mũi khoan hiệu quả nhất bạn cần chọn đúng mũi khoan cho máy khoan của bạn.
- Đối với máy khoan xoay: Có công suất sao động 300 – 500W thì mũi khoan chuôi kẹp hoặc trơn không khía là phù hợp.
- Đối với máy khoan động lực: Có công suất dao động 500 – 800W thì dùng mũi khoan chuôi kẹp là tốt nhất.
- Đối với máy khoan búa: Công suất từ 550 – 1500W nên sử dụng các mũi khoan 4 khía, 5 khía để hoạt động hiệu quả nhất.